Truyền dịch có giúp tăng cân?

Truyền dịch có giúp tăng cân?

10:04 16/05/2020

Truyền dịch có giúp tăng cân?

Tăng gần 50kg trong suốt thai kỳ, một sản phụ 36 tuổi tại TP HCM đã phải chật vật, vất vả và “gắn chặt” với giường bệnh trong những tháng cuối thai kỳ bởi trọng lượng cơ thể quá nặng, đau khớp vùng xương chậu khiến việc di chuyển khó khăn.

Vui mừng sau khi “mẹ tròn con vuông”, chị kể: Trước kia cân nặng của chị chỉ khoảng hơn 50 kg. Điều đáng nói là sau khi bị sốt xuất huyết, chị phải truyền nước, rồi cộng thêm việc tẩm bổ nhiều nên chị bắt đầu tăng cân không kiểm soát. Cố gắng luyện tập, ăn kiêng nhưng nữ công nhân này vẫn nặng hơn 90 kg. Đến lúc chị mang thai thì trọng lượng tăng nhanh chóng. Khi mang thai tới 30 tuần, chị đã tăng 29kg. Thời điểm lên bàn đẻ, chị nặng 140kg.

Trên thực tế, nhiều người vẫn “kháo nhau” việc truyền dịch sẽ  giúp ai có cơ thể “ốm nhách” sẽ tăng cân vì được kích thích ăn uống. Điều này liệu có cơ sở khoa học hay không? Theo ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), có nhiều ca mắc sốt xuất huyết thể nặng, sốt tới gần một tuần, sau khi được truyền dịch, thậm chí còn sụt đến 5-7 kg. Việc tăng cân sau truyền dịch có thể là do truyền quá nhiều dịch gây ứ dịch tạm thời, nhưng sau đó “nước rút”, thể trạng bệnh nhân trở lại bình thường.

Theo BS Hiền, cảm giác “truyền xong khỏe hẳn”, tăng cân thực chất một phần do tâm lý, hoặc do việc bệnh nhân “ăn bù” sau một đợt ốm, sút cân. Một phần do các loại dịch truyền cũng chứa một ít năng lượng (thông thường khoảng 200 kcal) nên người bệnh cũng cảm thấy khỏe hơn. Tuy nhiên, theo BS Hiền, với mức năng lượng khoảng 200 kilo calo này, có thể bổ sung dễ dàng hơn bằng nước hoa quả, ăn uống, không phải tốn công sức, tiền bạc để truyền dịch.

Theo BS Nguyễn Văn Học (Bệnh viện Nhi Trung ương), bất đắc dĩ bác sĩ mới chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân, đối với trẻ em càng phải thận trọng. Việc quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, các bác sĩ thường dựa vào các kết quả của xét nghiệm để biết được trường hợp nào cần thiết và trường hợp nào chưa cần truyền bổ sung và số lượng bổ sung là bao nhiêu? Cùng quan điểm này, theo BS Hiền, chẳng hạn trong điều trị sốt xuất huyết, những trường hợp bị sốt xuất huyết độ nhẹ (độ I, II) mà có khả năng bù dịch bằng đường uống hoa quả hoặc orezol thì không cần phải bù dịch bằng truyền dịch trực tiếp vào tĩnh mạch. Căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân, kết hợp nhiều yếu tố, chỉ những trường hợp nôn nhiều, mất nước ra bên ngoài, giảm lượng dịch trong tuần hoàn, ở cấp độ nặng thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân.

Đó là lý do vì sao các bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không tự ý điều trị, tiêm truyền. Bởi kỹ thuật truyền dịch tuy đơn giản nhưng chỉ nên thực hiện tại cơ sở y tế, dịch vụ có đủ dụng cụ cấp cứu phòng khi có tai biến xảy ra.

Những ai cần cân nhắc khi truyền dịch?

Theo BS Học, ngoài việc truyền dịch chỉ những trường hợp nặng mới được chỉ định thì y khoa không khuyến khích truyền dịch. Hiện có khoảng trên 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản: Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể: (glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin); Nhóm cung cấp nước và các chất điện giải dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%...) và nhóm đặc biệt (huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử...) dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Truyền nước, truyền dịch tại nhà mà dân gian hay gọi thường để chỉ việc truyền bổ sung nước muối sinh lý, đạm, đường… Đối tượng sử dụng dịch truyền thường là những người bệnh nặng, hôn mê, không thể ăn uống… Các bác sĩ lưu ý, chỉ khi các chất đạm, đường, các chất điện giải có chỉ số trung bình thấp hơn mức bình thường thì lúc đó mới cần bù đắp.

Các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc xơ gan, suy thận, suy tim… cần cân nhắc đặc biệt trong việc xem xét có truyền dịch hay không,  bởi truyền dịch có thể dẫn đến quá tải tuần hoàn, gây nguy hiểm tính mạng. “Thậm chí với những người sức khỏe, chức năng tim bình thường cũng không loại trừ khả năng bị phù phổi cấp, suy tim nếu tốc độ truyền dịch nhanh quá gây tăng tuần hoàn quá mức, áp lực mạnh cho tim”, BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ.

Tiêm truyền là một trong những phương pháp hiệu quả sử dụng trong lĩnh vực y tế, sức khỏe.  Dịch vụ truyền dịch tại nhà hiện nay đang rất phát triển và nó là cách tốt nhất cho bệnh nhân vào những thời điểm bệnh viện, cơ sở y tế trong tình trạng quá tải hoặc người bệnh không có điều kiện để đi tiêm truyền. Y Tế Toàn Phúc cung cấp dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà, điều dưỡng tại nhà với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng viên tận tâm và chuyên nghiệp để bạn có thể hoàn toàn tin tưởng. Hotline 0943450115

 

Viết bình luận
zalo