Tất tần tật những điều cần biết về bệnh quai bị

Tất tần tật những điều cần biết về bệnh quai bị

04:24 22/11/2019

 

Tại Việt Nam, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị quai bị. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về bệnh quai bị, hãy cùng đọc và tìm hiểu nhé.

Nguyên nhân gây bệnh

Quai bị gây ra bởi virus quai bị (virus mumps), thuộc họ Paramyxoviridae. Virus này có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể khoảng từ 30 đến 60 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C. Chúng bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của tia tử ngoại và các hóa chất diệt khuẩn.

Trẻ em là đối tượng thường xuyên nhiễm quai bị trừ độ tuổi nhỏ hơn 1 tuổi thì hiếm bị, điều này có thể do vẫn còn kháng thể tốt từ mẹ.

Quai bị lây theo đường hô hấp. Virus có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện, khạc nhổ... Người hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Đây là một bệnh rất dễ lây

Triệu chứng thường gặp của bệnh quai bị

- Sốt khoảng 39,4°C

- Sưng các tuyến nước bọt trong vài ngày

- Các tuyến nước bọt sẽ tiếp tục sưng và đau trong 1 đến 3 ngày. Má sẽ bắt đầu sưng lên

- Cảm thấy đau khi nói, nuốt, nhai hoặc uống nước có tính axit

- Đau đầu, chán ăn, đau cơ kéo theo nhức mỏi toàn thân.

Bệnh nhân sẽ bị sưng má

Một số biến chứng có thể xảy ra

- Viêm buồng trứng: người bệnh sẽ có dấu hiệu đau bụng hoặc rong kinh

- Viêm tinh hoàn và thậm chí teo tinh hoàn. Tuy nhiên thì tỷ lệ teo tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh do quai bị chỉ khoảng 0,5%

- Phụ nữ có bầu mắc quai bị trong 3 tháng đầu có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu

- Nhồi máu phổi

- Viêm cơ tim

- Viêm tụy cấp tính

- Viêm màng não, viêm não.

Người bệnh không được chủ quan coi thường bệnh

Người lớn mắc bệnh quai bị thường tiến triển nặng, để lại các biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ em. Các biến chứng trên xảy ra với tỷ lệ khá thấp nhưng lại rất nguy hiểm. Không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn có thể đe dọa đến tính mạng.

Biện pháp điều trị

Quai bị hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chủ yếu là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh như sau:

- Khi có dấu hiệu sưng đau ở vùng mang tai thì nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác. Vì viêm tuyến nước bọt không nhất thiết do virus quai bị mà có thể do các virus hoặc vi khuẩn khác gây ra

- Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng

- Uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải (tốt nhất nên uống Oresol)

- Hạn chế tất cả các loại thực phẩm cứng, thức ăn chứa nhiều gia vị cay nóng hoặc có tính axit. Nên chọn các thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp

- Chườm mát để tuyến nước bọt bớt đau sưng

- Chỉ được dùng kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ

- Nghỉ ngơi thoải mái, không nên tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ em và thanh thiếu niên.

Cần quan tâm và chăm sóc nhiều đối với người bệnh

Như vậy với những thông tin trên thì các bạn đã có thêm kiến thức phòng tránh cũng như hiểu rõ về bệnh quai bị. Ngoài ra, nếu đang bị quai bị bạn có thể liên hệ hotline 094 345 0115 của Y tế Toàn Phúc để được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị tại nhà.

Viết bình luận
zalo