Kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch có khóa lưu kim

Kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch có khóa lưu kim

05:46 13/06/2020

Lĩnh vực liệu pháp truyền dịch bao gồm việc điều trị bệnh nhân bằng các dung dịch truyền tĩnh mạch nhằm giúp bệnh nhân hồi phục hoặc cải thiện tình trạng bệnh tật của bệnh nhân. Tùy thuộc vào căn bệnh tiềm ẩn, dung dịch chứa thành phần dược liệu hoạt động thích hợp.

Kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch có khóa lưu kim

Kỹ thuật tiêm truyền tĩnh mạch bằng kim catheter là phương pháp tiêm, truyền tĩnh mạch sử dụng kim bằng ống nhựa mềm luồn vào trong lòng tĩnh mạch, cố định chắc chắn vào trong lòng tĩnh mạch, đầu kim không sắc nhọn nên không có khả năng đâm xuyên thành mạch.

Kỹ thuật này sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân có chỉ định phải tiêm, truyền nhiều lần trong ngày hoặc phải duy trì tiêm, truyền nhiều ngày. Kim catheter tĩnh mạch ngoại vi khắc phục được những nhược điểm của kim sắt như gây chệch ven, xuyên mạch, đau đớn trong quá trình tiêm truyền.

Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định

  • Người bệnh cần hồi sức cấp cứu: Sốc, trụy mạch, hôn mê, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn,...;
  • Truyền dịch liên tục;
  • Truyền dịch ngắt quãng;
  • Tiêm và truyền thuốc qua đường tĩnh mạch;
  • Truyền máu, các chế phẩm của máu;
  • Trước khi làm các thủ thuật, phẫu thuật hoặc sử dụng các thuốc cản quang,...;
  • Trường hợp cần nuôi dưỡng tĩnh mạch ngắn ngày

Chống chỉ định

  • Vùng tĩnh mạch bị tổn thương, nhiễm khuẩn, bầm tím, bỏng,...

Thực hiện kỹ thuật

  • Thông báo, giải thích kỹ thuật cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân;
  • Hỏi tiền sử dị ứng thuốc;
  • Chuẩn bị dụng cụ giống tiêm tĩnh mạch;
  • Kiểm tra nguyên tắc 5 đúng;
  • Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp, lộ vị trí tiêm;
  • Sát trùng tay, mang găng sạch, sát trùng khóa lưu kim;
  • Kiểm tra kim luồn, thực hiện bơm thuốc;
  • Tráng khóa lưu kim bằng cách bơm nước muối;
  • Rút kim, dùng bông lau khóa lưu kim, dán gạc che đầu kim;
  • Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách theo dõi sau tiêm truyền tĩnh mạch;
  • Dọn dẹp dụng cụ và ghi hồ sơ bệnh án.

Theo dõi

  • Theo dõi sắc mặt và diễn biến của bệnh nhân trong và sau khi thực hiện kỹ thuật;
  • Chăm sóc kim catheter mỗi 8 - 12 giờ/lần hoặc tùy theo tình trạng thực tế của bệnh nhân;
  • Kiểm tra vùng đặt kim luồn hằng ngày;
  • Không nên để kim catheter quá 3 ngày;
  • Khi có các dấu hiệu như tắc kim, sưng, nóng đỏ, đau dọc theo tĩnh mạch, chảy máu tại chỗ hoặc nhiễm khuẩn cần rút kim và đặt kim sang vị trí khác.

Tai biến và cách xử trí

  • Đâm nhầm vào động mạch: Cần ngay lập tức rút kim, băng ép tại điểm đâm kim và theo dõi dấu hiệu chảy máu tại chỗ để xử trí các bước tiếp theo cho phù hợp;
  • Thoát mạch: Do chệch kim, vỡ tĩnh mạch, cần rút kim truyền, chuyển vị trí truyền tĩnh mạch sang chi khác và thường xuyên kiểm tra, báo cho bác sĩ để được xử trí đúng phác đồ;
  • Tụ máu: Do chảy máu vào tổ chức xung quanh hoặc kim đi xuyên qua mạch máu. Biện pháp xử trí là rút kim truyền và dùng gạc lạnh băng ép quanh vị trí bị tụ máu;
  • Tuột catheter: Do catheter được cố định không chắc chắn hoặc người bệnh tự rút truyền, nên xử lý bằng cách rút kim truyền;
  • Viêm tĩnh mạch: Do xuất hiện cục máu đông ở đầu kim catheter, lưu kim catheter quá lâu, dịch truyền có độ pH quá cao hoặc quá thấp. Cách xử trí là rút kim truyền, chườm ấm và báo bác sĩ để có những thay đổi phù hợp;
  • Nhiễm khuẩn tại chỗ: Xử trí bằng cách rút kim truyền, chuyển vị trí truyền tĩnh mạch sang chi khác, thông báo với bác sĩ điều trị và theo dõi, chăm sóc vị trí nhiễm khuẩn đúng phác đồ;
  • Nhiễm khuẩn toàn thân: Do thực hiện nguyên tắc vô khuẩn không tốt, chăm sóc vùng truyền tĩnh mạch kém, lưu kim catheter quá lâu, viêm tĩnh mạch kéo dài hoặc người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Trong trường hợp này, cần thông báo cho bác sĩ để sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và theo dõi dấu hiệu sinh tồn cũng như toàn trạng của người bệnh;
  • Những tai biến khác: Co thắt tĩnh mạch, quá tải tuần hoàn, dị ứng thuốc, tổn thương dây chằng, tổn thương dây thần kinh, tắc mạch do khí,... thực hiện xử trí đúng theo phác đồ điều trị được hướng dẫn.

Một số lưu ý quan trọng khi truyền tĩnh mạch có sử dụng khóa lưu kim

  • Sử dụng gạc vô khuẩn để che lại vị trí đặt catheter;
  • Thay băng, gạc 24 - 48 giờ/lần hoặc thay ngay khi băng, gạc bán thấm, không đảm bảo tính nguyên vẹn;
  • Cần luân chuyển vị trí đặt catheter 48 - 72 giờ/lần, nếu không thể thay đổi vị trí đặt kim truyền cần báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí phù hợp;
  • Nếu không cần sử dụng nên rút ngay kim catheter ra.

Khi được chỉ định thực hiện tiêm tĩnh mạch, bệnh nhân cần phối hợp với nhân viên y tế để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

Với phương châm đồng hành cùng người bệnh trên mọi phương diện, Y Tế Toàn Phúc với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm, tận tình với bệnh nhân. Chúng tôi cung cấp dịch vụ truyền dịch tại nhà. Hãy liên lạc với chúng tôi ngay hôm nay theo Hotline: 0943450115 để được chăm sóc y tế sớm nhất.

Viết bình luận
zalo