Bù nước điện giải cho trẻ tốt nhưng cần phải đúng cách

Bù nước điện giải cho trẻ tốt nhưng cần phải đúng cách

04:50 02/01/2020

Sử dụng Oresol để bù nước điện giải cho bé khi bị sốt, tiêu chảy, nôn ói, mất nước là phương pháp phổ biến được nhiều ông bố bà mẹ áp dụng. Thế nhưng việc bù nước không đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Nguy hiểm do bù nước sai cách

Phòng khám Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, từng tiếp nhận một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Sau khi thăm khám và tìm hiểu bệnh sử, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống dung dịch Oresol nhưng pha sai nồng độ.

Trẻ bị tiêu chảy, mất nước, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, thậm chí đe dọa tính mạng. Oresol với thành phần là muối, đường, khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi.

Oresol có tác dụng bù nước rất tốt, vì ngoài nước cất, còn cung cấp một lượng muối khoáng rất quan trọng. Nó được khuyên dùng trong trường hợp người bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn, sốt cao… Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng nó phải đúng cách, pha đúng nồng độ quy định. Nếu pha thuốc đặc hơn so với khuyến cáo, hàm lượng muối trong máu của bệnh nhân sẽ tăng lên, gây tình trạng ưu trương, áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, sẽ “hút” nước từ tế bào ra khoảng kẽ, khiến tế bào bị mất nước và “teo” lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng. Tế bào não bị “teo” khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, có thể hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.

Trên thị trường hiện có hai loại oresol: Loại gói nhỏ được chỉ định pha với 200ml nước; Loại gói to pha đủ với 1 lít nước sôi để nguội. Nhưng vẫn có nhiều phụ huynh “sáng tạo” trong việc pha oresol gây nguy hiểm cho trẻ. Do có trẻ không thích uống oresol, sợ con uống ít không đủ bù nước, cha mẹ liền pha cả gói với vài thìa nước. Sự “sáng tạo” này vô tình gây nguy hiểm cho trẻ. Khi uống oresol với nồng độ quá đặc, có thể bổ sung ít nước nhưng lại làm hàm lượng muối trong máu tăng lên khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ. Ngược lại, pha loãng lại không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi.

Việc pha oresol không đúng quy định sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, thậm chí trẻ có thể tử vong.

Một trong những cách pha sai lầm hay gặp là nhiều người chia nhỏ gói oresol uống thành nhiều lần, trong khi đáng lẽ phải hòa tan hết 1 gói oresol trong 200ml nước mới đảm bảo nồng độ các chất, bù nước cho cơ thể bị mất. Có người lại cắt 1/2 hoặc 1/3, 1/4 gói thuốc rồi nhẩm tính số nước tương ứng giảm đi so với yêu cầu chuẩn. Các cách này dễ khiến trẻ bị ngộ độc muối.

Tốt nhất, phụ huynh pha theo chỉ dẫn trên bao bì, bảo đảm đúng tỷ lệ và cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nhiều lần. Thực tế đã có trường hợp cháu bé bị tiêu chảy nhưng người thân đã cho cháu uống hơn 3 gói oresol bằng cách pha từng phần ra chén và cho uống liên tục vì thấy bé vẫn khát. Lượng muối quá đậm đặc đã khiến trẻ tử vong vì phù não cấp tính.

Lưu ý khi dùng thuốc bù nước điện giải cho trẻ

– Sử dụng đúng liều lượng quy định.

– Chỉ dùng dung dịch đã pha trong 24 tiếng, bảo quản kỹ, tránh nhiễm bẩn.

– Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Điều đó khiến các thành phần không đồng nhất và gây nhầm lẫn thể tích khi pha.

– Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.

– Không pha với nước khoáng, làm sai lệch nồng độ, chỉ nên dùng nước lọc đun sôi, để nguội.

– Theo dõi các triệu chứng của trẻ như phát hiện mất nước, khả năng đáp ứng thuốc… Khi xuất hiện dấu hiệu nặng, bất thường cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Cách uống

Tùy từng trường hợp mất nước mà ta phải có cách uống thích hợp, nếu sử dụng cách uống sai thì sẽ không có tác dụng mà thậm chí còn có tác dụng ngược lại nữa.

– Trong trường hợp ra nhiều mồ hôi: có thể uống như uống nước bình thường, nhưng để có kết quả nhanh nhất thì có thể uống từng ngụm nhỏ, giữ lại hơi lâu hơn bình thường 1 chút ở khoang miệng rồi mới nuốt.

– Trong trường hợp tiêu chảy, nôn: phải uống từng thìa nhỏ để lượng nước vào miệng ít nhất, chỉ đủ để láng ướt khoang miệng, làm nước và điện giải được hấp thu ngay tại khoang miệng, không có khả năng (hoặc rất ít) chui xuống dạ dày. Nếu uống như cách thứ 1 thì toàn bộ dung dịch uống vào sẽ nằm trong dạ dày. Khi đó, dạ dày bị kích thích, nên hoặc sẽ tống dung dịch xuống ruột -> đi ngoài tiếp (nếu bị tiêu chảy) hoặc sẽ tống ngược lên -> gây nôn (nếu bị nôn) —> vừa mất cả chì (Oresol) lẫn chài (mất thêm nước và điện giải của cơ thể)

Liều lượng

– Trẻ <1 tuổi: uống 50-100ml/1 lần nôn, tiêu chảy

– Trẻ >1 tuổi: uống 150-200ml/1 lần nôn, tiêu chảy

Làm gì khi trẻ sốt?

Theo các chuyên gia, trời nắng nóng trẻ rất dễ bị sốt. Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38 độ C, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều, một số trường hợp xuất hiện kèm các nốt phát ban… Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Bởi vậy cần chú ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, tắm nước ấm, đồng thời cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu để bù lại lượng nước đã mất. Trẻ bị sốt cao thường ra nhiều mồ hôi nên dễ bị mất nước, vì vậy cần cho bé uống nhiều nước, sữa, nước trái cây, cháo, súp… để bù mất nước.  Tuyệt đối không cho trẻ uống nước ngọt và nước có ga. Cần theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước như mệt, kêu khát nước, tiểu ít… nên đưa trẻ đến viện hoặc sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà để điều trị. Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm và đưa ra phương án có nên truyền dịch tại nhà cho trẻ hay không để phòng ngừa nguy cơ mất nước nghiêm trọng.

Để phòng tránh trẻ sốt cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với thời tiết để tránh bị cảm sốt hay sốt do thân nhiệt tăng do quần áo quá dày. Uống đủ nước hàng ngày. Điều đặc biệt cần lưu ý là tiêm vaccine phòng bệnh do virus như sởi, quai bị…

Bù nước điện giải không chỉ cung cấp lượng nước và ion đã mất mà còn giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, phải sử dụng đúng cách thì mới mang lại hiệu quả, pha oresol không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi. Y tế Toàn Phúc có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm chữa bệnh luôn đưa ra kết quả đánh giá xác thực cùng với nhiều lời khuyên tốt nhất cho sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra trung tâm còn cung cấp các dịch vụ truyền dịch, truyền đạm tại nhà uy tính, chất lượng. Hotline: 094 345 0115, bạn sẽ nhận câu trả lời nhanh nhất.

Viết bình luận
zalo