Biện pháp giảm nghén trong thai kỳ và những điều mẹ cần biết

Biện pháp giảm nghén trong thai kỳ và những điều mẹ cần biết

09:07 18/01/2020

Mang thai, bên cạnh niềm hạnh phúc chờ đón thiên thần nhỏ ra đời là muôn vàn khó khăn của thiên chức làm mẹ, một trong số đó là nghén. Hẳn là sản phụ nào cũng từng trăn trở về vấn đề này.

Nghén là tình trạng khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, đầy hơi, buồn nôn, thậm chí là nôn ói… Nghén thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kì, ước tính, trong 10 sản phụ thì có tới 7-8 người có triệu chứng ốm nghén, nhưng thường nhẹ và kết thúc ở tuần lễ thứ 12. Tuy nhiên, lại có từ 1-2 người có thể kéo dài tới tuần lễ 16, thậm chí đến hết thai kì.

Nguyên nhân xuất hiện nghén?

Theo như nghiên cứu, nghén xuất hiện do ảnh hưởng của các hormon tiết ra trong thai kì, cụ thể là progesterol và beta hCG. Người dễ mắc phải triệu chứng này là người có tiền sử nghén, người bị say tàu xe, mang đa thai, người quá gầy...

Mẹ bầu bị nghén có ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai nhi?

Nghén thường không ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi, một vài nghiên cứu còn cho rằng nghén là cách thể hiện một sức khỏe thai kì tốt. Tuy nhiên, với một số trường hợp nghén quá nặng gây mất nước, điện giải nghiêm trọng thì có thể ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.

Nghén nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của thai phụ, có thể gây trầm cảm khi mang thai

Nghén có cần điều trị?

Thông thường, quan điểm của mọi người xem nghén chỉ là phản ứng khi mang thai, cố gắng chịu đựng. Tuy nhiên một số trường hợp nghén nặng ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống, sức khoẻ và cả tâm lý của sản phụ dễ đưa đến trầm cảm thai kỳ thì cần điều trị. Vậy nghén như thế nào thì cần điều trị?

  • Buồn nôn và nôn trên 6 lần/ 1 ngày

  • Thời gian buồn nôn và nôn kéo dài 6 giờ/ 1 ngày

  • Mệt mỏi nhiều

  • Bị choáng

  • Điều trị bằng các biện pháp tự nhiên, không dùng thuốc mà không giúp thuyên giảm

Khi gặp những dấu hiệu này, hẳn là đến lúc nghén cần được “báo động” rồi đấy!

Các biện pháp giảm tình trạng nghén

Biện pháp không dùng thuốc:

  • Chia nhỏ các bữa ăn, vì dạ dày tăng tiết dịch rất nhiều, hormon progesterol làm dãn các cơ dạ dày nên giữa các bữa ăn sẽ tăng lượng dịch, dễ gây buồn nôn và nôn. Sản phụ nên ăn từ 5-6 bữa ăn/1 ngày, không cần ăn quá nhiều, chỉ cần ăn ít nhưng chia nhiều lần.

  • Hạn chế các loại thức ăn có mùi

  • Uống vitamin tổng hợp (không chứa sắt, vì vị kim loại dễ làm nghén)

  • Ăn thức ăn lạnh, nước uống hoặc thức ăn có vị gừng

  • Uống đủ nước (từ 2-3 lít nước/1 ngày)

  • Nên ăn một ít bánh quy hoặc các loại hạt trước khi rời khỏi giường hay đánh răng để tránh dạ dày rỗng

Biện pháp dùng đến thuốc: có thể sử dụng một số loại thuốc như vitamin B6, doxylamine và các thuốc chống nôn. Một số trường hợp nặng không dung nạp được mẹ bầu sẽ được bác sĩ thăm khám và chỉ định truyền dịch tại nhà, thuốc qua đường tĩnh mạch, hay nuôi ăn qua sonde dạ dày… và nên được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.

Từ xưa đến nay ai cũng nghĩ nghén chỉ là phản ứng bình thường khi mang thai nên thường tâm lý chung sẽ là cố gắng chịu đựng. Tuy nhiên chúng ta nên cân nhắc tìm đến bác sĩ khám sớm vì 3 lý do:

  1.  Có thể lầm với các bệnh nặng khác không phải nghén như viêm tụy cấp, loét dạ dày, thai trứng (thai kì bất thường, cần chỉ định chấm dứt thai kì, có nguy cơ biến thành ung thư nguyên bào nuôi nên cần theo dõi rất chặt sau đó), thậm chí có thể lầm với ung thư dạ dày... nên cần được bác sĩ khám và chẩn đoán.

  2. Một số trường hợp bị nghén nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ. Điều trị sớm sẽ giảm được các triệu chứng nặng, hạn chế diễn biến nghén nặng, tránh khó điều trị hơn sau này.

  3. Có nhiều thuốc điều trị nghén và hoàn toàn an toàn cho thai kỳ.

Ốm nghén là tình trạng rất thường gặp khi mang thai. Tuy nhiên để đảm bảo cho sức khỏe, cũng như để điều trị kịp thời tránh gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, sản phụ nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng cách khi bị nghén nặng. Gia đình hãy quan tâm đến sản phụ nhiều hơn, đừng để quan niệm nghén là chuyện bình thường và bắt sản phụ phải chịu đựng những cơn nghén nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tâm lý. Sự khó chịu của cơ thể có thể dẫn đến trầm cảm khi mang thai. Thai phụ nên đi khám và nhận lời khuyên sớm từ bác sĩ Sản khoa. Trong trường hợp ốm nghén nặng, sự hỗ trợ từ gia đình, sự tin cậy bác sĩ và chế độ dinh dưỡng hằng ngày hợp lý sẽ giúp cải thiện đáng kể. Nếu bạn quá bận, hay muốn giảm thời gian đi lại, chờ đợi tại các phòng khám, bệnh viện, bạn có thể sử dụng dịch vụ tại nhà. Dịch vụ Y Tế Gia Đình Toàn Phúc cung cấp các truyền nước biển tại nhà an toàn. Chúng tôi có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm và luôn đưa ra kết quả đánh giá xác thực cùng với nhiều lời khuyên tốt nhất cho sức khỏe của mẹ bầu. Liên hệ số hotline 094 345 0115 để được tư vấn và đặt lịch hẹn với bác sĩ phù hợp cho bạn.

Viết bình luận
zalo